Các nhà khoa học máy tính đã tạo ra hệ thống trí tuệ nhân tạo phỏng theo “Thuyết tâm trí”
Theo các nhà tâm lý học “Thuyết tâm trí” (Theory of Mind) là sự nhận thức về niềm tin và ước muốn của người khác. Các nhà khoa học của Google DeepMind đã tạo ra hệ thống Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) theo thuyết tâm trí – gọi là ToMnet – có khả năng quan sát các hệ thống AI khác và học cách chúng hoạt động. ToMnet gồm có ba mạng nơ-ron nhân tạo làm việc cùng nhau. Mạng thứ nhất học khuynh hướng của các mạng AI khác dựa vào các hành động của chúng trong qúa khứ, mạng thứ hai hình thành sự hiểu biết “niềm tin” hiện tại của chúng, mạng thứ ba thừa hưởng khả năng của hai mạng kia, tuỳ vào tình huống, sẽ dự đoán hành động tiếp theo. Theo sciencemag.
Hệ thống AI có khả năng tính toán với tốc độ ánh sáng
Các nhà khoa học từ UCLA vừa công bố mạng nơ-ron quang học được in 3D (3D-printed optical neural networks) có khả năng tính toán với tốc độ ánh sáng. Công nghệ tính toán này sẽ tác động lớn đến các giải thuật học máy (Machine Learning). Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science. Theo Discover.
Các nhà khoa học của Đại học Melbourne đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng đo lường những đặc điểm tính cách của một người từ chỉ một bức ảnh
Sinh trắc học phản chiếu (Biometric Mirror) là một chương trình trí tuệ nhân tạo có khả năng đọc các đặc điểm khuôn mặt của một người và so sánh chúng với một cơ sở dữ liệu mở có hàng nghìn ảnh mặt người đã được đánh giá trắc lượng tâm lý (psychometrics) dựa trên đám đông. Chương trình sẽ phân hạng 14 đặc tính, ví dụ như giới tính, tuổi, tốt bụng, hạnh phúc, duyên dáng, kì lạ, hay ổn định cảm xúc. Theo Futurity.
Công cụ học trực quan của Google được công bố bản beta trên Google Cloud
Dự án triển khai học máy trên đám mây của Google gọi là AutoML bao gồm các công cụ học máy cho phép người dùng không phải chuyên gia cũng có thể triển khai huấn luyện các mô hình học cho riêng mình. Công cụ đầu tiên trong chương trình này là về nhận dạnh ảnh và đối tượng (AutoML Vision). Công cụ có giao diện, cho phép kéo thả, dễ hiểu đối với người dùng không chuyên trí tuệ nhân tạo và các kỹ sư phần mềm. Theo VERGE.
Nếu lo lắng về “các mẫu chống phá” (adversarial examples) đối với xe tự lái (self-driving) thì cũng nên thật sự lo lắng về ảnh bị làm mờ
Các mẫu chống phá được dùng để tấn công các mô hình học máy được phát hiện vào năm 2014 bởi các nhà khoa học của Google, Facebook, ĐH New York và ĐH Montreal.
Hình trên là một ví dụ cho thấy ảnh về gấu trúc được một mô hình học nhận dạng và phân loại với mức độ tin cậy 57.7% sau khi được thêm một lượng nhiễu epsilon thì mô hình hiểu sai ảnh gấu trúc là vượn với độ tin cậy 99.3%. Các nhà khoa học của CMU vừa công bố kết quả nghiên cứu chứng minh rằng chỉ cần làm mờ ảnh hoặc thêm vào ít sương hoặc khói mù cũng đã tạo ra vấn đề lớn với các mô hình học máy. Theo CMU.
Amazon đáp trả kết luận chương trình nhận dạng khuôn mặt của Amazon gán các dân biểu của Mỹ là tội phạm
Đại diện của Amazon viết trên blog rằng các kết quả đã được hiểu sai. Và rằng Amazon khuyến nghị trong các trường hợp quan trọng thì độ tin cậy cần phải thiết lập ở mức 99%, nhưng ACLU đã sử dụng mức tin cậy mặc định 80% (theo Jack Clark thì sự thật là Amazon không khuyến cáo khách hàng dùng ngưỡng cao hơn). Đại diện này cũng cho rằng kết quả sai lệch phản ánh mức độ kì thị trong cơ sở dữ liệu Mugshot được sử dụng. Mugshot và các cơ sở dữ liệu về tội phạm khác đã được chỉ ra là phản ánh sự kỳ thị chủng tộc trong hệ thống tư pháp tội phạm của Mỹ và những phản hồi của Amazon là chính xác.
Công ty Trung Quốc xuất khẩu chương trình giám sát người dân
Công ty công nghệ CloudWalk của Trung Quốc đã ký kết với Zimbabwe hợp đồng cung cấp chương trình nhận dạng khuôn mặt, vốn dùng để giám sát công dân. Điểm đáng chú ý của hợp đồng này là CloudWalk được quyền truy cập cơ sở dữ liệu hàng triệu ảnh người Zimbabwe. Trong khi Zimbabwe không có luật bảo vệ dữ liệu sinh trắc học nên người dân khó tránh khỏi việc chấp nhận bị giám sát hoặc trao dữ liệu sinh trắc của họ giúp CloudWalk cải tiến công nghệ. Câu chuyện này hàm chứa hai vấn đề đạo đức liên quan đến giám sát (công dân) dựa trên AI: giám sát trái phép một người nào đó là vi phạm các quyền riêng tư cơ bản và một số chính quyền có thể mua công nghệ giám sát kèm theo là cung cấp dữ liệu nhân thân của công dân nước họ cho công ty bán công nghệ. Theo Foreign Policy.
Indonesia đang dẫn đầu khu vực ASEAN trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Theo một khảo sát của IDC khu vực châu Á-Thái bình dương, 24,6% doanh nghiệp của Indonesia sử dụng AI, so với 17.1% ở Thái Lan và 9.9% ở Singapore. Theo ComputerWeekly.
Các nhà khoa học của Đại học Standford đã phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán hiệu ứng phụ của việc kết hợp thuốc
Hệ thống học sâu (Deep Learning), gọi là Decagon, được huấn luận trên tập dữ liệu hơn 19.000 protein cùng thông tin chúng tương tác như thế nào. Decagon đã dự đoán được 10 hiệu ứng phụ chưa được phát hiện. Theo NewAtlas.
Mỹ và Nga đang mở các trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho quốc phòng, trong khi đó Trung Quốc đã thực hiện việc này năm ngoái
Mỹ mở Joint Artificial Intelligence Center (JAIC), Nga có “innovation technopolis,” gọi là Era. Trung Quốc đã mở trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho People’s Liberation Army (PLA). Song song đó, quốc gia này cũng có Viện Trí tuệ nhân tạo tại PLA National National University of Defense Technology và Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo dành cho quốc phòng tại Đại học Thanh Hoa. Theo Defense One.